Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân cách lãnh đạo trong giai đoạn hiện nay

Chia sẻ :
ThS Đào Minh Tuấn
Giảng viên Khoa Quản lý nhà nước
Trường Cán bộ quản lý giao thông vận tải

1. Khái niệm về tư tưởng Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó là tư tưởng về giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của Nhân dân, khối đại đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của Nhân dân, xây dựng Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân; về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân…

Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của Nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân cách người lãnh đạo trong giai đoạn hiện nay

2.1. Nhân cách người lãnh đạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Chuẩn mực đạo đức của người lãnh đạo được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ yếu nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và Nhân dân lao động lên trên, lên trước lơi ích riêng của cá nhân mình.

Một lòng phục vụ Nhân dân. Vì Đảng, vì Nhân dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi công việc. Lãnh đạo là đầy tớ trung thành của Nhân dân.

Người lãnh đạo là một nhà chức trách, nắm quyền lực thực tế, có trong tay một số cán bộ, công nhân viên nhất định, đồng thời có quyền ban hành các quyết định về những vấn đề liên quan đến lợi ích của cơ quan, của người lao động thuộc quyền quản lý.     

  Khi đã ở cương vị quản lý, người lãnh đạo tự quyết định mình phải làm gì, làm như thế nào, đồng thời chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trước tập thể, trước cấp trên. Người lãnh đạo giữ vị trí trung tâm của tập thể lao động, mang sức mạnh quyền lực - sức mạnh được Nhà nước đảm bảo tác động trực tiếp với đối tượng quản lý của mình.

  Người lãnh đạo là cầu nối giữa cơ quan quản lý cấp trên và tập thể lao động; mọi chỉ thị, nghị quyết của Nhà nước ban hành thông qua người lãnh đạo để đến với tập thể và chịu trách nhiệm trước cấp trên về trạng thái hoạt động, kết quả hoạt động, cũng như các mặt về đời sống của tập thể do mình quản lý. Có trách nhiệm tạo những điều kiện cần thiết đảm bảo cho việc thực hiện sáng kiến của người lao động, đảm bảo cho họ tham gia tích cực vào hoạt động quản lý của tập thể lao động.

        Để thực hiện tốt vai trò, chức năng trên và để khẳng định tốt vị trí của mình, người lãnh đạo cần phải có những phẩm chất và năng lực cần thiết - Đó là những nét đặc trưng về nhân cách của người cán bộ lãnh đạo.

Nhân cách nhà lãnh đạo chứa đựng những phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam, có những trình độ và năng lực cần thiết thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho. Đó là:

          - Những phẩm chất chính trị - tư tưởng nói lên khuynh hướng hoạt động xã hội và lập trường chính trị của người lãnh đạo, bao gồm: lòng trung thành với lý  tưởng XHCN,  với đường lối, quan điểm của Đảng ta, niềm tin và thắng lợi cuối cùng của cách mạng, có lập trường kiên định của giai cấp công nhân.

       - Những phẩm chất - tâm lý - đạo đức nói lên trình độ trưởng thành  về ý thức đạo đức, hành vi đạo đức, lập trường đạo đức của người lao động. Nhờ có trình độ cao mà người lãnh đạo có được các hành vi đạo đức đúng đắn trong mọi tình huống. Sự trong sáng về đạo đức, sự tận tâm với công việc, sự quan tâm  chăm sóc mọi người lao động, tinh thần phê và tự phê nghiêm túc, tinh thần tập thể, tính trung thực, công bằng, giản dị, khiêm tốn...

       - Những năng lực tổ chức - chuyên môn nói lên khả năng về văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ của người lãnh đạo có thể thực hiện tốt công việc của mình như năng lực tổ chức, năng lực chuyên môn …

         Theo quan điểm của người Việt Nam, đạo đức là cái gốc của nhân cách. Vậy những nét đặc trưng trong đạo đức người lãnh đạo được thể hiện như thế nào.

          Phẩm chất chính trị - tư tưởng của người lãnh đạo được thể hiện tập trung trong quan điểm quản lý của họ. Quam điểm này sẽ  bảo đảm phương hướng giai cấp, cho mọi suy nghĩ và hành vi quản lý của mỗi người. Quan điểm quản lý của mỗi người lãnh đạo chịu sự chi phối, sự qui định của đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước Việt Nam.

          Quan điểm quản lý cá nhân đúng đắn của mỗi người cán bộ quản lý, lãnh đạo hiện nay được thực hiện rõ nhất trong sự cố gắng đặt lợi ích xã hội lên hàng đầu trong mọi hoạt động của  mình. Biết kết hợp hài hoà 3 lợi ích ở cơ quan, đơn vị mình, ngoài ra phải có lập trường sống cá nhân tích cực nữa.

         Người lãnh đạo phải có quan điểm, lập trường vững vàng, kiên quyết chống hiện tượng tiêu cực trong xã hội và trong chính bản thân, tích cực tham gia các hoạt động sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển xã hội, trên cơ sở tự nguyện, tự giác, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

          Phẩm chất đạo đức nói lên trình độ trưởng thành  về ý thức đạo đức, hành vi đạo đức, lập trường đạo đức của người lãnh đạo. Nhờ có trình độ cao mà người lãnh đạo có được các hành vi đạo đức đúng đắn trong mọi tình huống. Sự trong sáng về đạo đức, sự tận tâm với công việc, sự quan tâm  chăm sóc mọi người lao động, tinh thần phê và tự phê nghiêm túc, tinh thần tập thể, tính trung thực, công bằng, giản dị, khiêm tốn...

         Chuẩn mực đạo đức của người lãnh đạo được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ yếu nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỉ luật của Đảng, thực hiện  tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và Nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Một lòng phục vụ Nhân dân. Vì Đảng, vì Nhân dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi công việc. Lãnh đạo là đầy tớ trung thành của Nhân dân.     

        Đạo đức người lãnh đạo là phải biết cách xử thế giữa người lãnh đạo và người bị lãnh đạo trong quá trình quản lý, nhằm xây dựng được những quan hệ tốt đẹp với nhau, trên cơ sở đó mà bảo đảm thực hiện công việc chung đạt kết quả cao. Chẳng hạn, trong công tác đòi hỏi người lãnh đạo, quản lý  phải có tính khách quan công bằng đối với mọi cán bộ, công nhân viên dưới quyền, không được "yêu là tốt, ghét là xấu"; không thiên vị, không định kiến. Người lãnh đạo phải biết nghe lời nói phải, nghe những ý kiến bị coi là trái với ý kiến của mình, để xử lý, chọn lọc những thông tin đúng phục vụ cho công tác lãnh đạo .

        Năng lực tổ chức - chuyên môn nói lên khả năng về văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ của người lãnh đạo có thể thực hiện tốt công việc của mình như năng lực tổ chức, năng lực chuyên môn ...

        Người lãnh đạo phải có tư chất đúng mực, tự chủ, thể hiện: phải là người biết tự kiềm chế sự bột phát tình cảm của bản thân, nếu không biết làm chủ được tâm trạng của mình thì không thể làm lãnh đạo được. Dù tâm trạng riêng như thế nào chăng nữa thì người lãnh đạo khi đến cơ quan làm việc vẫn phải luôn vui vẻ với mọi người, bình tĩnh để giải quyết công việc được tốt nhất. Người lãnh đạo biết lắng nghe ý kiếm của người khác, biết phát biểu đúng nơi đúng chỗ, biết im lặng và biết tránh những kích động không cần thiết. Mọi hành vi và lời nói của người lãnh đạo đều phải có suy nghĩ, có sự kiểm soát. Trong ứng xử hàng ngày phải luôn tỏ ra hồn nhiên, khiêm tốn, biết tôn trọng mọi người. Quan hệ với mọi người chân thật, đúng mức; trên không nịnh hót, dưới không quyền uy; tránh tình trạng nịnh trên, nạt dưới. Người lãnh đạo cần sống giản dị, chân thật, có lối sống phù hợp với thực tại khách quan, với truyền thống dân tộc, không xa hoa phù phiếm, phô trương hình thức, dối trá, lừa lọc, độc ác. Đạo đức trong công tác còn đòi hỏi người lãnh đạo làm việc tận tâm, có sáng kiến, công tác đạt hiệu quả cao, phải thực hiện "lời nói đi đôi với việc làm",  luôn lấy chữ tâm làm đầu; làm việc phải có lề lối, có quy tắc, có chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện phải theo chương trình, kế hoạch đó. Người cán bộ phải giám nghĩ, dám làm và giám chịu trách nhiệm trước những công việc của mình. Tuy nhiên, người lãnh đạo chỉ có đạo đức vẫn chưa đủ. Chủ tịch Hồ chí Minh dạy rằng: "Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó". Do vậy, người lãnh đạo phải có năng lực tổ chức và điều hành. Để làm tốt được vai trò này, người lãnh đạo cần có một số tư chất chung như: Có khả năng vận dụng mau lẹ kiến thức, kinh nghiệm vào công tác thực tế của mình. Sẵn sàng tiếp xúc với mọi người, biết lắng nghe họ nói chuyện, gợi ý để họ thể hiện quan điểm, rồi thu lượm những điều cần thiết cho công tác của mình. Có sự suy xét sâu sắc, suy nghĩ phân tích tìm ra bản chất của vấn đề, thấy được mối quan hệ nguyên nhân - kết quả. Biết tác động tới từng người một cách kiên quyết, khiến họ phải làm theo mình. Tìm ra  những sáng kiến để thực hiện công việc một cách tốt nhất. Độc lập trong cách suy nghĩ, phán quyết trong công việc, biết tự tìm ra các giải pháp hợp lý, nhưng cũng biết tiếp thu cái hay của người khác. Làm việc gì cũng phải theo đuổi từ đầu đến cuối để đạt được mục đích đã đề ra. Có sự nhạy cảm về tổ chức: trước hết, đó là sự tinh nhạy về tâm lý - là khả năng mau chóng đi vào thế giới tâm hồn của mọi người, biểu hiện qua hành vi, hình dáng, giao tiếp. Từ đó nhà quản lý có được kết luận tương đối chính xác về một con người, thậm chí ngay cả trong cuộc tiếp xúc đầu tiên với thời gian ngắn nhất.

         Nhà quản lý phải xác định một cách nhanh chóng sự phù hợp của mỗi con người với những lĩnh vực hoạt động nhất định, xác định được những lợi ích mà người đó đem lại khi bố trí vào công việc phù hợp với khả năng của bản thân họ, phát huy sở trường, hạn chế sở đoản của họ. Đây là khả năng nhìn người đặt việc.

         Người lãnh đạo cần phải nhạy cảm với tình hình để luôn đi đầu, đón trước sự phát triển của sự việc. Chẳng hạn, người lãnh đạo ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể trong tình hình hiện nay cần nhanh chóng nắm bắt tình hình chính trị, xã hội để kịp thời động viên giáo dục tư tưởng chính trị cho nhân viên luôn đề cao cảnh giác trước những âm mưu của các thế lực thù địch. Cũng như đề ra những biện pháp chủ động, kịp thời trong việc bảo vệ an ninh, bí mật, tài sản của nhà nước.

         Trong thời đại ngày nay, dù ở trong cương vị nào, tài năng và đức độ vẫn là những phẩm chất cần thiết cho kết quả của công tác quản lý. Vì vậy mỗi cán bộ lãnh đạo cần luôn luôn tự hoàn thiện bản thân, tự học tập, trau dồi kiến thức thông qua sách vở và thực tiễn để tự nâng cao trình độ, năng lực quản lý của bản thân, đáp ứng nhu cầu công tác lãnh đạo và quản lý.

2.2. Những tác động đến nhân các người lãnh đạo trong giai đoạn hiện nay

Theo quan niệm của nền Nho giáo phương Đông, một nhà lãnh đạo, quản lý phải có những phẩm chất cơ bản như: sự khiêm cung (đúng mực), có khả năng nhẫn nhịn, biết chấp nhận sự khác biệt, có niềm tin, nỗ lực, chịu khó, hào hiệp.  

Theo quan niệm của tư duy lý tính phương Tây, nhà lãnh đạo, quản lý phải biết đánh giá cao người khác, biết chấp nhận sự khác biệt, có khả năng sáng tạo dựa trên nền móng vững chắc, có tư duy tổng hợp (bao gồm cả khả năng xử lý mọi thông tin), có chuyên môn sâu của một ngành, có đạo đức xã hội, biết đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân.

Sự khác biệt văn hóa đã hình thành những tiêu chí đánh giá về người lãnh đạo, quản lý rất khác nhau. Văn hóa phương Đông thiên về việc coi trọng những phẩm chất, giá trị tinh thần. Theo đó, sự lựa chọn người lãnh đạo, quản lý cốt ở phẩm chất đạo đức, thiên về định tính. Còn văn hóa phương Tây lại đề cao những kỹ năng chuyên môn với  biểu hiện hướng ngoại, mang tính định lượng, giá trị đạo đức được xác định nằm ngay trong khả năng chuyên môn và sự cống hiến cho tổ chức, cộng đồng.

Trong bối cảnh hiện nay, khi “thế giới phẳng” xóa nhòa các ranh giới quốc gia, cùng với đó là một “thế giới cong” chứa đựng nhiều hiểm họa, rủi ro bất ngờ. Vì vậy, người lãnh đạo, quản lý phải có tầm nhìn xa nhưng phải gắn với thực tế, có năng lực thích ứng nhanh và phù hợp. Bên cạnh đó là khả năng đánh giá vấn đề một cách tổng thể đồng thời chú ý đến những chi tiết quan trọng, thấy được các mối liên hệ tiềm tàng của vấn đề với phần còn lại của bối cảnh bên trong và bên ngoài tổ chức. Người lãnh đạo, quản lý có phẩm chất có thể đưa ra được giải pháp cụ thể, cân nhắc đầy đủ các mối liên hệ với các yếu tố khách quan và chủ quan, thể hiện sự nhạy cảm với môi trường chính trị, kinh tế, văn hóa...  Hiện nay có nhiều tranh luận về ba phong cách lãnh đạo lớn (phong cách lãnh đạo 3D) với các hình thức như: phong cách lãnh đạo trực tiếp, phong cách lãnh đạo dựa trên sự trao đổi, thảo luậnphong cách lãnh đạo ủy thác, giao phó. Trong đó, nhà lãnh đạo theo phong cách trực tiếp thường đặt ra những yêu cầu rất cụ thể cho cấp dưới; đề cao vai trò gắn trách nhiệm cho từng người, thiết lập các tiêu chuẩn và dự kiến kết quả mà họ mong muốn đạt được. Với phong cách lãnh đạo dựa trên sự trao đổi, thảo luậnngười lãnh đạo, quản lý sẽ lắng nghe nhân viên đưa ra các ý kiến, đặt câu hỏi, cung cấp thông tin phản hồi, những giả định về thách thức. Người lãnh đạo, quản lý phải  là người đảm bảo chắc chắn các ý kiến đều được thảo luận cặn kẽ và biến thành một cuộc tranh luận thực sự. Họ đóng vai trò như là một nhân tố đảm bảo cho các cuộc thảo luận đi đúng hướng và tất cả mọi thành viên trong tổ chức đều có cơ hội góp ý kiến. Ở phong cách lãnh đạo ủy thác, giao phó, người lãnh đạo, quản lý thường giải thích hoặc có những cam kết về các công việc cần được thực hiện và khi nào phải hoàn thành công việc đó. Còn cách thức làm việc hoàn toàn do cấp dưới chủ động quyết định. Mỗi phong cách đều chứa đựng những ưu thế khác biệt. Điều quan trọng là mỗi phong cách lãnh đạo cần phù hợp với những đặc thù của từng tổ chức, từng lĩnh vực.

Thực tế công tác cán bộ, đặc biệt là việc bổ nhiệm vào các cương vị lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam trong nhiều năm gần đây vẫn nặng về xem xét, đánh giá những tiêu chí hình thành phẩm chất người lãnh đạo, quản lý, nghĩa là có khuynh hướng định tính hơn là kỹ năng. Do đó, tính chuyên nghiệp trong quản lý, điều hành ở những người đã được bổ nhiệm chưa cao. Vẫn còn tình trạng bổ nhiệm những người không có chuyên môn sâu, chỉ thuần túy khả năng hoạt động phong trào, trong nhiều trường hợp còn đề bạt, bổ nhiệm các cương vị lãnh đạo, quản lý xuất phát từ mối quan hệ thân tộc hoặc lợi ích nhóm... Vì vậy, những người thực sự có năng lực không có cơ hội bộc lộ khả năng của mình. Điều đó không tránh khỏi lối tư duy và hoạt động quản lý nặng về thể hiện hình thức, thiếu nền tảng.

Hiện nay, khuynh hướng đánh giá phẩm chất người lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam cũng cần phải có những tố chất như tiêu chí về người lãnh đạo, quản lý ở các quốc gia phát triển. Trước hết, người lãnh đạo, quản lý phải có kỹ năng, bởi lẽ trong bối cảnh hội nhập, năng lực cạnh tranh đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn cao, đó là sự thông hiểu trên nhiều phương diện, khả năng nắm bắt xu thế và định hướng được sự phát triển hợp lý cho tổ chức, cho xã hội. Thiếu kỹ năng trong lãnh đạo, quản lý sẽ dẫn tới nguy cơ mắc phải ba hiểm họa: không có tầm nhìn, không tiên liệu trước được tương lai; không thích ứng mau lẹ và hiệu quả với hiện tại do thiếu óc thực tế và khả năng sáng tạo; không chịu rút ra bài học kinh nghiệm từ quá khứ và thất bại do thiếu khả năng suy ngẫm, học hỏi và như vậy sẽ phải đối mặt với sự tụt hậu, đi xuống của tổ chức.

Nhưng chỉ có tài mà không có đức cũng rất nguy hiểm. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đức là gốc rễ. Sự vô cảm của người lãnh đạo, quản lý cũng tức là mối hiểm họa với tổ chức, với người dân. Có đức sẽ khiến người lãnh đạo, quản lý biết hy sinh, có trách nhiệm xã hội, biết hướng tới lợi ích cộng đồng, biết sẻ chia, cảm thông, biết khích lệ, động viên… Khi người lãnh đạo, quản lý vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà bất chấp cả sự an toàn, ổn định, phát triển của tổ chức, của cộng đồng thì đó thực sự là mối họa cho dân, cho nước.

 Người lãnh đạo, quản lý phải đóng vai trò của nhà thiết kế chiến lược, tức là người làm việc hiệu quả nhờ vào khả năng dự đoán tương lai, làm chủ các tình huống dựa vào việc nhận thức được các cơ hội và rủi ro. Một người lãnh đạo, quản lý thực sự có tầm chiến lược bao giờ cũng có mối quan tâm hàng đầu đến sự phát triển của toàn bộ hệ thống.

Bên cạnh đó, bản lĩnh chính trị cũng là một tiêu chí quan trọng của người lãnh đạo, quản lý. Khi những cám dỗ vật chất có nguy cơ lung lạc, làm xói mòn đạo đức của nhiều tầng lớp xã hội, hơn hết người lãnh đạo, quản lý phải có khả năng vượt qua thách thức, luôn thể hiện sự kiên định của mình trong mọi tình huống khác nhau.

Vì vậy, các tổ chức, các cấp, các ngành cần phải có sự hiện diện của kiểu người lãnh đạo cải biến với sự chủ động, có hoài bão, có tầm nhìn, biết trân trọng các cá nhân, biết khích lệ, động viên tinh thần của cấp dưới. Đó là “tuýp” người lãnh đạo dám đột phá, dám tự chịu trách nhiệm, dám đối mặt với thách thức. Đã đến lúc kiểu lãnh đạo tác vụ mang tính thụ động, đối phó, chỉ biết quan tâm đến lợi ích trước mắt, không có khả năng phát hiện, sử dụng nhân lực cần phải bị loại trừ, bởi họ đã trở thành rào cản đối với sự đi lên của tổ chức và do vậy kéo lùi sự phát triển của tổ chức, thậm chí của cả một ngành, một địa phương.

Thay đổi tiêu chí trong đánh giá, bổ nhiệm cán bộ không phải là việc dễ thực hiện, đòi hỏi phải có sự thay đổi mà trước hết là ở tư duy, sự đồng bộ trong chỉ đạo, thực thi, đồng thời phải có chính sách động viên, khen thưởng thỏa đáng để người lãnh đạo, quản lý có động lực cống hiến hết khả năng cho tổ chức.

KẾT LUẬN

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “Làm lãnh đạo cũng là một nghề, phải rèn đức luyện tài, trong đó đức phải là gốc”! Người lãnh đạo, quản lý là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, xây dựng một đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý “vừa hồng, vừa chuyên” là một trong những nhiệm vụ then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Vì thế phẩm chất, nhân cách và năng lực của người lãnh đạo, quản lý giữ vai trò quan trọng. Người xưa quan niệm: được mất, vinh nhục không phải do nghề mà do người hành nghề quyết định. Trong các chức năng chủ yếu của lãnh đạo đối với sự thành công của tổ chức, chức năng điều hành và lãnh đạo con người là quan trọng nhất. Nhà lãnh đạo là người điều hành một tổ chức, biết dự kiến, lập kế hoạch, tổ chức, điều động và kiểm tra kết quả, nhằm mục đích làm cho tổ chức thực hiện tốt nhất những nhiệm vụ và chức năng của mình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Bách khoa Hà Nội, 2016.

2.  Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị - Hành chính, 2011.

3. Avinash K.Dixit, Bary J. Nalebuff, Tư duy chiến lược, Nxb Tri thức, H.2007.

4. HaroKoontz, Cyril Odonnell, Heinz Weihrich, Những vấn đề cốt yếu của quản lý, Nxb Khoa học và kỹ thuật, H.2004.

5. John P. Kotter, Dẫn dắt sự thay đổi, Nxb Lao động Xã hội, H.2009.

6. First News & Harvard Business School, Các kỹ năng quản lý hiệu quả, Nxb Tổng hợp, TP. Hồ Chí Minh, 2007.


Thêm bình luận mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi. Vui lòng thử lại
ĐĂNG KÝ HỌC