Hình thức, phương pháp, nguyên tắc quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa

Chia sẻ :

ThS. Đào Minh Tuấn

Giảng viên Trường Cán bộ quản lý giao thông vận tải

                                                                                                                Tuanbonoivu@gmail.com. 09041.333.00

I. Một số khái niệm

1. Quản lý nhà nước

Quản lý nhà nước xuất hiện cùng với sự xuất hiện của Nhà nước. Quản lý nhà nước thay đổi phụ thuộc vào chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia qua các giai đoạn lịch sử. Quản lý nhà nước là hoạt động thực thi quyền lực nhà nước, được thực hiện bởi cơ quan nhà nước để duy trì, xác lập trật tự xã hội ổn định từ đó phát triển xã hội theo mục tiêu đã đề ra. Như vậy quản lý nhà nước là một dạng quản lý xã hội đặc biệt, mang tính quyền lực nhà nước và sử dụng pháp luật nhà nước để điều chỉnh các hành vi của con người trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội do các cơ quan trong bộ máy nhà nước thực hiện, nhằm thỏa mãn nhu cầu hợp pháp của con người, duy trì sự ổn định và phát triển của xã hội.

Mục tiêu trực tiếp của quản lý nhà nước là nhằm thiết lập ổn định trật tự xã hội theo ý chí của nhà nước. Mục tiêu cuối cùng là phục vụ nhân dân, duy trì ổn định và phát triển bền vững trong xã hội.

2. Giao thông đường thủy nội địa

Đường thủy là “đường đi trên mặt nước sông, biển, kênh, hồ, dùng cho tàu thuyền”[1]. Nội địa là “phần đất trong lục địa ở xa biển” hoặc “ở trong nước”[2]

Như vậy có thể hiểu: đường thủy nội địa là đường đi trên mặt nước trong lãnh thổ của một quốc gia.

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 3 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004, sửa đổi bổ sung năm 2014 (sau đây gọi chung là Luật Giao thông đường thủy nội địa)  thì “Đường thủy nội địa là luồng, âu tàu, các công trình đưa phương tiện qua đập, thác trên sông, kênh, rạch hoặc luồng trên hồ, đầm, phá, vụng, vịnh, ven bờ biển, ra đảo, nối các đảo thuộc nội thủy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải”.

Khoản 1, Điều 3 Luật Giao thông đường thủy nội địa định nghĩa: “Hoạt động giao thông đường thủy nội địa gồm hoạt động của người, phương tiện tham gia giao thông vận tải trên đường thủy nội địa; hoạt động quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, xây dựng, khai thác, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ giao thông đường thủy nội địa và quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa.” Theo định nghĩa trên, hoạt động giao thông đường thủy nội địa bao gồm bao gồm 4 nhóm hoạt động cơ bản sau đây:

- Hoạt động của người, phương tiện tham gia giao thông vận tải trên đường thủy nội địa;

- Hoạt động quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, xây dựng, khai thác, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa;

- Hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ giao thông đường thủy nội địa;

- Quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa.

3. Quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa

Quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa là sự tác động, điều chỉnh của Nhà nước (thông qua các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền) lên các quá trình, các quan hệ liên quan đến giao thông đường thủy nội địa nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.

Nhìn chung các chủ thể có thẩm quyền sẽ quản lý giao thông đường thủy nội địa từ quy hoạch, kế hoạch đến tổ chức giao thông đường thủy nội địa trên mạng lưới, tổ chức quản lý khai thác kết cấu hạ tầng bến bãi và các hoạt động quản lý khác nhằm hướng ý chí và hành động của các chủ thể kinh tế vào thực hiện tốt các nhiệm vụ của giao thông vận tải thủy nội địa, kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, tập thể và lợi ích nhà nước.

II. Hình thức và phương pháp quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa

1. Hình thức quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa

Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình đối với xã hội, các chủ thể quản lý hành chính nhà nước thực hiện rất nhiều hoạt động khác nhau và được thể hiện ra bên ngoài dưới những hình thức nhất định.

Như vậy, hình thức quản lý nhà nước là sự biểu hiện ra bên ngoài các hoạt động của chủ thể quản lý nhà nước trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý xã hội.

Việc lựa chọn hình thức quản lý nhà nước phải đảm bảo các yêu cầu dưới đây:

– Phải phù hợp với chức năng hành chính.

– Phải phù hợp với nội dung và tính chất của những vấn đề, nhiệm vụ cần giải quyết.

– Phải phù hợp với những đặc điểm của đối tượng quản lý cụ thể.

– Phải phù hợp với điều kiện cụ thể.

Như vậy, hình thức quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa bao gồm 02 hình thức cơ bản sau đây:

a) Những hình thức quản lý mang tính pháp lý

+ Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giao thông đường thủy nội địa;

+ Ban hành các văn bản áp dụng pháp luật giao thông đường thủy nội địa;

+ Cấp phép, cấp giấy chứng nhận, đăng ký phương tiện, chứng thực, xử lý vi phạm hành chính, cung cấp dịch vụ công,…

Hình thức pháp lý bao giờ cũng được pháp luật quy định cụ thể về nội dung, trình tự, thủ tục...

b) Những hình thức quản lý ít mang tính pháp lý

+ Áp dụng những biện pháp tổ chức trực tiếp

Là hình thức hoạt động không mang tính pháp lý do chủ thể quản lý nhà nước tiến hành nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi để ban hành và tổ chức thực hiện các quyết định quản lý.

Tiến hành các hoạt động tổ chức thực hiện gồm các hoạt động nghiên cứu, tổng kết và phổ biến những kinh nghiệm tiên tiến, áp dụng các biện pháp cụ thể nhằm ứng dụng những thành tựu khoa học kĩ thuật vào quản lý, tổ chức kiểm tra, điều phối hoạt động, tổ chức hội thảo…. Áp dụng những biện pháp tổ chức trực tiếp bao gồm các biện pháp tổ chức ra bên ngoài như: hội thảo quần chúng, lấy ý kiến người dân, điều tra xã hội học…;các biện pháp tổ chức nội bộ cơ quan như: hội thảo, hội nghị, tổng kết rút kinh nghiệm.

+ Hoạt động điều hành bằng các phương tiện thông tin kỹ thuật: điện thoại, fax, phương tiện theo dõi, giám sát, mạng máy tính;…

Là hoạt động sử dụng kiến thức nghiệp vụ, áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào quá trình quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa. Đây là hình thức sử dụng khoa học kỹ thuật vào công tác quản lý như in ấn, soạn thảo, lưu trữ văn bản hành chính hoặc các hoạt động phục vụ thuần túy. Những tác động về nghiệp vụ – kỹ thuật nhằm đảm bảo công tác quản lý nhà nước được tiến hành một cách nhanh chóng, hiệu quả và chính xác.

III. Phương pháp quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa

Phương pháp quản lý nhà nước là cách thức thực hiện những chức năng và nhiệm vụ của bộ máy nhà nước, cách thức tác động của chủ thể quản lý nhà nước lên các đối tượng quản lý nhằm đạt được hành vi xử sự cần thiết.

Phương pháp quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa là cách thức mà chủ thể quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa sử dụng để thực hiện chức năng quản lý của mình nhằm đạt được hiệu quả quản lý, trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa và đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc điểm của phương pháp quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa:

- Phương pháp quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa do các chủ thể quản lý nhà nước có thẩm quyền tiến hành để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình;

Phương pháp quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa là cách thức thực hiện quyền lực nhà nước trong quản lý lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

Những phương pháp quản lý của các chủ thể quản lý nhà nước về giao thông dường thủy nội địa được thể hiện dưới những hình thức quản lý nhà nước nhất định (ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật…) và được tiến hành trong giới hạn do pháp luật quy định.

Các phương pháp quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa bao gồm: phương pháp thuyết phục, phương pháp cưỡng chế, phương pháp hành chính, phương pháp kinh tế.

1. Phương pháp thuyết phục

Là làm cho đối tượng quản lý hiểu rõ sự cần thiết và tự giác thực hiện, thông qua phương pháp này giáo dục cho mọi công dân nhận thức đúng đắn về kỷ cương xã hội, kỷ cương nhà nước trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa; động viên họ tự giác thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước và xã hội. Phương pháp này sử dụng những biện pháp khác nhau như giải thích, nhắc nhở, tổ chức, giáo dục, tuyên truyền, phát triển các hình thức tự quản xã hội, tổ chức thi đua, khen thưởng về giao thông đường thủy nội địa.

Thuyết phục là làm cho đối tượng quản lý hiểu rõ sự cần thiết và tự giác thực hiện những hành vi nhất định hoặc tránh thực hiện những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa. Thông qua phương pháp thuyết phục, các chủ thể quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa tuyên truyền, giáo dục cho mọi công dân nhận thức đúng đắn về kỷ cương xã hội, kỷ cương nhà nước, động viên họ tự giác thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước và xã hội, bởi các tổ chức xã hội; là chỗ dựa vững chắc của các cơ quan nhà nước trong việc nâng cao ý thức pháp luật của công dân, trong việc đảm bảo và mở rộng dân chủ.

Phương pháp thuyết phục trong quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa thể hiện trong việc sử dụng những biện pháp khác nhau như giải thích, nhắc nhở, tổ chức, giáo dục, cung cấp thông tin, tuyên truyền, phát triển các hình thức tự quản xã hội, tổ chức thi đua, khen thưởng,… Những biện pháp này được quy định một cách chung nhất trong thẩm quyền của chủ thể quản lý nhà nước mà không giới hạn phạm vi áp dụng.

2. Phương pháp hành chính 

Là phương pháp tác động tới cá nhân, tổ chức thuộc đối tượng quản lý bằng cách quy định trực tiếp nghĩa vụ của họ qua những mệnh lệnh dựa trên quyền lực nhà nước và phục tùng.

– Đặc điểm của phương pháp hành chính:

+ Đặc trưng của phương pháp này là sự tác động trực tiếp của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý bằng cách đơn phương quy định nhiệm vụ và phương án hành động của đối tượng quản lý.

+ Phương pháp này được tiến hành trong khuôn khổ của pháp luật. Các quyết định hành chính được ban hành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chủ thể quản lý do pháp luật quy định.

Phương pháp hành chính cần thiết để đảm bảo cho hoạt động quản lý được tiến hành có hiệu quả và đảm bảo kỷ luật nhà nước. Phương pháp này áp dụng khi có mối quan hệ trực thuộc.

3. Phương pháp cưỡng chế hành chính

Cưỡng chế là biện pháp bắt buộc của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền đối với những cá nhân, tổ chức nhất định trong những trường hợp pháp luật quy định buộc cá nhân, tổ chức đó phải thực hiện hay không thực hiện những hành vi nhất định hoặc phải phục tùng những hạn chế về mặt tài sản hoặc tự do thân thể.

Nội dung của phương pháp cưỡng chế trong quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa:

+ Chủ thể áp dụng phương pháp cưỡng chế phải là cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật như: Bộ Giao thông vận tải, Thanh tra giao thông đường thủy nội địa, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh,…

+ Đối tượng bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế là cá nhân, tổ chức có những vi phạm trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa.

+ Biểu hiện của phương pháp cưỡng chế là buộc cá nhân, tổ chức phải chấp hành các quyết định đơn phương của chủ thể quản lý. Cụ thể là buộc cá nhân, tổ chức phải thực hiện hay không thực hiện những hành vi nhất định hoặc phải phục tùng những hạn chế nhất định về mặt tài sản của cá nhân, tổ chức hoặc tự do thân thể của cá nhân.

Trong việc áp dụng phương pháp cưỡng chế, cần chú ý những điểm sau:

+ Chỉ sử dụng biện pháp cưỡng chế trong những trường hợp cần thiết, khi phương pháp thuyết phục không mang lại hiệu quả hoặc không có khả năng đảm bảo hiệu quả;

+ Cần lựa chọn biện pháp cưỡng chế có hiệu quả nhất trong những biện pháp được áp dụng;

+ Không áp dụng biện pháp cưỡng chế trong những trường hợp mục đích đề ra đã đạt được hoặc cả khi những mục tiêu đề ra là không thể thực hiện được;

+ Khi áp dụng biện pháp cưỡng chế cần cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho cá nhân, tổ chức cũng như cho xã hội;

+ Chỉ được áp dụng biện pháp cưỡng chế được pháp luật quy định cho từng trường hợp cụ thể.

+ Trong khi áp dụng biện pháp cưỡng chế cần chú ý đến những đặc điểm của đối tượng bị cưỡng chế.

4. Phương pháp kinh tế

Là phương pháp tác động gián tiếp đến hành vi của các đối tượng quản lý, là sự quản lý bằng lợi ích và thông qua lợi ích của con người. Lợi ích là điểm trung tâm của phương pháp kinh tế, là cơ sở của sự phát triển.

Phương pháp kinh tế là phương pháp tác động gián tiếp đến hành vi của các đối tượng quản lý thông qua việc sử dụng những đòn bẩy kinh tế tác động đến lợi ích của con người như quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh, thuế suất, lãi suất tín dụng, ưu đãi về đầu tư,….

Nội dung của phương pháp kinh tế chính là sự quản lý bằng lợi ích và thông qua lợi ích của con người. Lợi ích là điểm trung tâm của phương pháp kinh tế, là cơ sở của sự phát triển. Do tác động của lợi ích mà hoạt động quản lý hàng ngày thay đổi về cơ bản bởi nó được thực hiện không phải thông qua những chỉ thị trực tiếp, mà thông qua sự quan tâm trực tiếp của người dân vào kết quả lao động của mình.

III. Nguyên tắc quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa

Có hai nhóm nguyên tắc chính trong quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa, đó là nguyên tắc chính trị - xã hội được quy định trong Hiến pháp và nguyên tắc tổ chức - kỹ thuật dựa trên thực tiễn và yếu tố kỹ thuật.

a. Nhóm nguyên tắc chính trị - xã hội

1. Nguyên tắc Đảng lãnh đạo

Cơ sở pháp lý: Ðiều 4, Hiến pháp 2013 quy định :

“Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Nguyên tắc Ðảng lãnh đạo trong quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa biểu hiện cụ thể như sau:

Đảng đưa ra những đường lối, chủ trương, chính sách của mình về ngành giao thông vận tải nói chung trong đó có lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa nói riêng. Các nghị quyết của cấp uỷ Đảng đưa ra các phương hướng hoạt động cơ bản của ngành giao thông vận tải, lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa tạo cơ sở quan trọng để các chủ thể quản lý nhà nước có thẩm quyền thể chế hoá văn bản pháp luật thực hiện trong hoạt động quản lý nhà nước.

Chủ thể quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa luôn căn cứ vào chủ trương, đường lối của Đảng để quyết định những vấn đề khác nhau trong quản lý.

2.  Nguyên tắc quản lý nhà nước bằng pháp luật

Điều 8 Hiến pháp 2013 quy định: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật”

Nguyên tắc quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa bằng pháp luật đòi hỏi mọi hoạt động của các chủ thể quản lý nhà nước trong đó có hoạt động xây dựng, ban hành quyết định phải trên cơ sở Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và phải hợp lý, nghĩa là phải phù hợp với đường lối chính trị, nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân và thực tiễn, khả năng quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa trong từng giai đoạn cụ thể.

Các chủ thể quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa phải chịu trách nhiệm do những sai phạm của mình trong hoạt động quản lý nhà nước, xâm phạm đến lợi ích tới quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và phải bồi thường cho công dân. Chính vì vậy, hoạt động quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa gắn liền với một chế độ trách nhiệm nghiêm ngặt đối với một chủ thể quản lý. Chế độ trách nhiệm ấy thông qua pháp luật và các hệ thống kỷ luật nhà nước. Cụ thể hơn, yêu cầu của quản lý đặt dưới sự thanh tra, kiểm tra giám sát và tài phán hành chính để pháp chế được tuân thủ thống nhất, mọi vi phạm đều bị phát hiện và xử lý theo đúng pháp luật. Sự kiểm tra và giám sát ấy, trước hết phải được bảo đảm thực hiện chính từ chủ thể quản lý. Tự kiểm tra với tư cách tổ chức chuyên môn vì thế cũng rất cần thiết như sự kiểm tra, giám sát từ phía các cơ quan nhà nước tương ứng, các tổ chức xã hội và công dân.

3. Nguyên tắc tập trung dân chủ

Ðây là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của nhà nước ta nên việc thực hiện quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa phải tuân theo nguyên tắc này. Điều 8 Hiến pháp 2013 quy định: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.”

Nguyên tắc tập trung dân chủ bao hàm sự kết hợp giữa hai yếu tố tập trung và dân chủ, vừa đảm bảo sự lãnh đạo tập trung trên cơ sở dân chủ, vừa đảm bảo mở rộng dân chủ dưới sự lãnh đạo tập trung. Trong quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa, nguyên tắc này thể hiện như sau:

+ Sự  phụ thuộc của cơ quan hành chính nhà nước (là chủ thể quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa) vào cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp;

 Các cơ quan quyền lực nhà nước có những quyền hạn nhất định trong việc thành lập, thay đổi, bãi bỏ các cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp (trong đó có các chủ thể quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa).

 Trong hoạt động, các chủ thể quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa luôn chịu sự chỉ đạo, giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước và chịu trách nhiệm báo cáo hoạt động của mình với cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp.

 Sự phục tùng của chủ thể quản lý cấp dưới đối với cấp trên, của địa phương đối với trung ương. Sự phục tùng ở đây là sự phục tùng mệnh lệnh hợp pháp trên cơ sở quy định của pháp luật.

+  Mặt khác, cấp trên/ trung ương cũng phải tôn trọng ý kiến của cấp dưới/ địa phương về công tác tổ chức, hoạt động và về các vấn đề khác của quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Phải tạo điều kiện để cấp dưới, địa phương phát huy sự chủ động, sáng tạo nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhằm chủ động thực hiện được “thẩm quyền cấp mình”. Có như thế mới khắc phục tình trạng quan liêu, áp đặt ý chí, làm mất đi tính chủ động sáng tạo của địa phương, cấp dưới.

+ Sự phân cấp quản lý về giao thông đường thủy nội địa

Là sự phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong bộ máy quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa. Mỗi cấp quản lý có những mục tiêu, nhiệm vụ, thẩm quyền và những phương thức cần thiết để thực hiện một cách tốt nhất những mục tiêu, nhiệm vụ của cấp mình.

4. Nguyên tắc nhân dân tham gia quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa

 Ðiều 2 – Hiến pháp 13 nêu rõ: “ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.

Người dân có thể tham gia trực tiếp vào cơ quan quyền lực nhà nước với tư cách là thành viên của cơ quan này – họ là những đại biểu được lựa chọn thông qua bầu cử hoặc với tư cách là các cán bộ, công chức nhà nước trong các cơ quan nhà nước. Khi ở cương vị là thành viên của cơ quan quyền lực nhà nước, người trực tiếp xem xét và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của từng địa phương trong đó có các vấn đề quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa. Khi ở cương vị là cán bộ, công chức nhà nước thì người đó sẽ sử dụng quyền lực nhà nước một cách trực tiếp để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa.

Người dân có thể trực tiếp giám sát hoạt động quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa thông qua các quyền kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo.

Ngoài ra, người dân có thể tham gia gián tiếp vào hoạt động quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa bằng cách việc thực hiện quyền lựa chọn những đại biểu xứng đáng thay mặt mình vào cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương hay địa phương; hoặc tham gia vào hoạt động của các tổ chức xã hội có liên quan đến lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

b)  Nhóm nguyên tắc tổ chức – kỹ thuật

1. Nguyên tắc quản lý theo ngành/ lĩnh vực kết hợp với quản lý theo địa giới hành chính.

Ngành là một phạm trù chỉ tổng thể những đơn vị, tổ chức sản xuất, kinh doanh có cùng một cơ cấu kinh tế - kỹ thuật hay các tổ chức, đơn vị hoạt động với cùng một mục đích giống nhau. Có sự phân chia các hoạt động theo ngành tất yếu dẫn đến việc thực hiện hoạt động quản lý theo ngành.

Quản lý theo địa giới hành chính là quản lý trên một phạm vi địa bàn nhất định theo sự phân vạch địa giới hành chính của nhà nước. Quản lý theo địa giới hành chính ở nước ta được thực hiện ở bốn cấp:

Cấp Trung ương (cấp nhà nước)

Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

Xã, phường, thị trấn.

Trong quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa phải tuân thủ nguyên tắc quản lý theo ngành/ lĩnh vực kết hợp với quản lý theo lãnh thổ bởi:

+ Trên quan điểm vĩ mô, định hướng phát triển giao thông đường thủy nội địa phải thống nhất cả nước;

+ Mọi hoạt động quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa dù được thực hiện ở địa phương nào cũng phải dựa trên văn bản pháp luật, không tùy tiện, vô nguyên tắc;

+ Mỗi địa phương căn cứ vào quy định của pháp luật được quyền đưa ra những cách thức nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể về giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn lãnh thổ. Điều này cũng có nghĩa là trao quyền cho địa phương được đưa ra những cách thức giải quyết gắn với điều kiện của từng vùng lãnh thổ (địa phương).

2. Nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành kết hợp với quản lý theo chức năng

Khi thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa đòi hỏi các chủ thể quản lý phải thực hiện rất nhiều việc chuyên môn khác nhau như lập quy hoạch và kế hoạch phát triển, quản lý thực hiện các khoản thu chi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện pháp luật…Do khối lượng công việc quản lý ngày càng nhiều và mang tính chất phức tạp nên đòi hỏi tính chyên môn hóa cao, vì thế nhu cầu quản lý theo chức năng luôn được đặt ra.

Quản lý theo chức năng là quản lý theo từng chuyên môn nhất định của hoạt động quản lý nhà nước. Cơ quan quản lý theo chức năng là cơ quan quản lý một lĩnh vực chuyên môn hay một nhóm các chuyên môn có liên quan với nhau.

Quản lý theo ngành/ lĩnh vực kết hợp với quản lý theo chức năng nhằm đảm bảo việc thực hiện có hiệu quả từng chức năng quản lý riêng biệt của các đơn vị, tổ chức trong ngành/ lĩnh vực, đồng thời bảo đảm mối quan hệ liên ngành, làm cho toàn bộ hoạt động của hệ thống ngành/ lĩnh vực được phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả.

3. Nguyên tắc phân định chức năng quản lý nhà nước về kinh tế với quản lý sản xuất kinh doanh.

Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền định ra chiến lược, qui hoạch và định hướng kế hoạch phát triển giao thông đường thủy nội địa và xây dựng cơ chế quản lý có cơ sở pháp lý ổn định vững chắc. Các tổ chức kinh doanh vận tải, bến bãi có nhiệm vụ chấp hành và cụ thể hoá chiến lược và kế hoạch giao thông đường thủy nội địa của nhà nước, thực hiện cơ chế kinh doanh, tiêu chuẩn, định mức của nhà nước, chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa 2008

2. Luật Quy hoạch năm 2017.

3. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018.

4. Quyết định 1829/QĐ-TTg ngày 31/10/2021 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

5. Quyết định số 21/2022/QĐ-TTg ngày 09/11/2022 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa

6. Học viện Hành chính Quốc gia (2022), Tài liệu bồi dưỡng đối công chức ngạch chuyên viên và tương đương.

7. Học viện Hành chính Quốc gia (2022), Tài liệu bồi dưỡng đối công chức ngạch chuyên viên chính và tương đương.

 


[1], 2 Viện Ngôn ngữ học (2006), Từ điển tiếng Việt, tr. 359 và tr. 738,  NXB Đà Nẵng

 


Thêm bình luận mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi. Vui lòng thử lại
ĐĂNG KÝ HỌC